Antonio Conte có lẽ sẽ là nạn nhân tiếp theo của "lò xay" Chelsea, nơi "căn bệnh 18 tháng" đã trở thành kinh niên và không thể chữa nổi.
Antonio Conte đã vượt qua được mốc 18 tháng. Đó là tuổi đời trung bình của các HLV trưởng đã từng làm việc trong kỷ nguyên ông chủ Roman Abramovich sở hữu Chelsea. Thế nên không ngạc nhiên rằng khi đã vượt qua mốc trung bình ấy, Conte đối mặt với trát sa thải.
Conte đối mặt trát sa thải do thành tích yếu kém của Chelsea
Đó là cách Chelsea hoạt động. CLB nào cũng có lúc thăng trầm, nhưng Chelsea là một kiểu đội bóng luôn biết cách thu ngắn giai đoạn giữa những lúc thăng và lúc trầm lại thay vì kéo dài nó ra. Thế nên có lẽ các fan Chelsea luôn có cảm giác rằng họ sẽ không phải đợi chờ thành công quá lâu nếu chẳng may bước vào một giai đoạn khủng hoảng, biết rằng giai đoạn đó sẽ sớm trôi qua?
Tuy nhiên vấn đề của Conte và Chelsea lúc này có vẻ còn phức tạp hơn so với lần đầu tiên Abramovich sa thải Jose Mourinho cách đây hơn một thập kỷ. Trước đây, sự bổ nhiệm HLV trưởng mới luôn đồng nghĩa các cầu thủ sẽ có động lực thi đấu, mọi thứ trở nên tươi mới và luồng sinh khí được thổi lại.
Việc chỉ mất có 8 tháng để các cầu thủ cảm thấy mệt mỏi và chán nản với Conte cho thấy tâm lý chiến thắng của Chelsea đang là một căn bệnh nhức nhối. Những cầu thủ triệu phú ở CLB này có vẻ đã được lập trình để có một khả năng tập trung trong đoạn ngắn, nghĩa là họ có thể dồn hết sức lực và tâm trí để chiến thắng một mùa giải rồi lại thả lỏng khi bước sang mùa tiếp theo.
Conte đang gặp lại vấn đề cũ đã khiến Mourinho bị Chelsea sa thải
Conte và trước đó là Mourinho đều đã trở thành nạn nhân của hiện tượng này. Carlo Ancelotti cũng có thể được coi là một nạn nhân, dù thực tế là ông đã chỉ thua MU trong mùa 2010/11 một cách sát nút và ở giữa mùa giải bỗng dưng bị dí vào mặt một Fernando Torres chấn thương đầu gối vừa mua về từ Liverpool.
Abramovich đã tự bắn vào chân của Abramovich với bản hợp đồng hớ Torres, và đó không phải lần cuối cùng. Thế nên chỉ sau vài tháng đăng quang, Antonio Conte đã bắt đầu tìm mọi cách để nhắc nhở cánh báo chí rằng ông không phải là người chịu trách nhiệm công tác chuyển nhượng ở CLB. Cũng phải thôi, có HLV nào ngu đến mức bán cầu thủ vừa giúp mình vô địch cho đối thủ cạnh tranh, như vụ Nemanja Matic về MU?
Chelsea hoạt động theo mô hình một công ty trách nhiệm hữu hạn có ban giám đốc hoạt động song song với ban giám đốc của CLB. Ở thời điểm hiện tại, ban giám đốc Chelsea gồm 4 người: chủ tịch Bruce Buck, giám đốc chuyển nhượng Marina Granovskaia, Eugene Tenenbaum và thư ký David Barnard. 3 người đầu tiên đều có chân trong ban giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn, và cả 4 đều là đồng minh thân cận với Abramovich.
Theo trang chủ của Chelsea, Marina Granovskaia là người chịu trách nhiệm tuyển mộ và chuyển nhượng cầu thủ. Khi Ross Barkley và Emerson Palmieri gia nhập Chelsea trong tháng 1 này, nữ doanh nhân người Nga là người đã chụp ảnh chung với họ trong buổi ký hợp đồng và ra mắt CLB mới.
Một điều khá rõ ràng ở đây là Conte, hay cả Mourinho, Villas-Boas, Di Matteo và Ancelotti trước đây, chẳng có một tí quyền hành gì trong việc giữ hay cho đi các cầu thủ mình có trong tay. Và khi mà quyền lực của Conte bị giới hạn như vậy, liệu các cầu thủ Chelsea có nể sợ HLV người Italia mà cố sức thi đấu? Ngay chính Conte cũng biết vị thế của mình không được đảm bảo, và kết quả trên sân cho thấy rõ thái độ làm việc của cả thầy lẫn trò.
HLV trưởng là người có vai trò lớn trong thành tích của đội bóng, là người trực tiếp cầm quân trên sân. Nhưng khi quyền hạn của HLV trưởng không những bị hạn chế mà điều đó còn bị công khai ra ngoài cho người ta nhìn (hãy nhìn vào trang chủ Chelsea và trang chủ MU: chức danh của Conte là “First-team Head Coach”, chức danh của Mourinho là “Manager” - dù thực tế quyền hạn của Mourinho không hơn Conte bao nhiêu), đội quân sẽ chẳng khác gì rắn mất đầu. Chelsea gieo hạt nào thì tự gặt quả nấy.